18/12/2024
70 năm ngày tiếp quản sân bay Gia Lâm
Ngày 10/10/1954, cùng với việc tiếp quản thành phố Hà Nội, chúng ta đã tổ chức tốt việc tiếp quản sân bay Gia Lâm. Trên đài chỉ huy sân bay, lá cờ Pháp được kéo xuống, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió thu Hà Nội.
Ngày 21/07/1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương kết thúc với bản Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đã thắng lợi vẻ vang.
Ngay sau khi hoà bình lập lại, Kế hoạch phục hồi nền kinh tế miền Bắc được Bộ Chính trị chỉ đạo quyết liệt. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 9 năm 1954 cũng nhấn mạnh đến nội dung khôi phục giao thông vận tải.
Với ngành vận tải hàng không, công việc đầu tiên là tổ chức tốt việc tiếp quản sân bay Gia Lâm từ tay thực dân Pháp để làm cơ sở xây dựng ngành hàng không dân dụng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, cũng là ý thức độc lập dân tộc trong quản lý chủ quyền vùng trời quốc gia của một nhà nước độc lập.
Ngày 10/10/1954, cùng với việc tiếp quản thành phố Hà Nội, chúng ta đã tổ chức tốt việc tiếp quản sân bay Gia Lâm. Đúng 10 giờ sáng ngày 10/10/1954, bộ đội ta tiến vào sân bay Gia Lâm tiếp quản các vị trí quan trọng. Trên đài chỉ huy sân bay, lá cờ Pháp được kéo xuống, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay trong gió thu Hà Nội. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam triển khai các trạm gác ra vào sân bay, đường hạ, cất cánh, nhà phát báo vô tuyến điện…
Việc tiếp quản chia làm hai bước. Bước 1, bộ đội ta tiến vào tiếp quản làm chủ sân bay. Bước 2, ta quản lý sân bay về mặt chuyên môn, kỹ thuật, chỉ huy điều hành máy bay cất, hạ cánh.
Ngày 31/12/1954, tại sân bay Gia Lâm, các nghi thức tiếp quản, bàn giao được tiến hành. 23 giờ 40 phút, nghi lễ bàn giao thực hiện xong. Ngay sau đó, chiếc DC-3 cất cánh đưa những tên thực dân Pháp cuối cùng rời khỏi Hà Nội.
(Ngày 31/12/1954 là thời hạn cuối cùng của quân Pháp phải rút hết khỏi sân bay Gia Lâm, việc điều hành hoạt động tại sân bay sẽ do ta thực hiện hoàn toàn. Tuy nhiên, vì chúng ta mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh, chưa có máy bay phục vụ Uỷ ban quốc tế nên phải thoả thuận với Pháp để lại một số máy bay và tổ lái của họ để tiếp tục phục vụ Uỷ ban quốc tế đi lại trên miền Bắc một thời gian nữa).
Đúng 12 giờ đêm ngày 31/12/1954, từ sân bay Gia Lâm, một bức điện đã phát lên không trung báo cho toàn thế giới được biết “Kể từ 0 giờ ngày 01/01/1955 theo giờ Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sân bay Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế của Đông Dương. Tất cả các máy bay muốn vào ra miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra đều phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội”.
Bức điện lịch sử này đã khẳng định chủ quyền làm chủ bầu trời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và đánh dấu sự ra đời của Cơ quan điều phái, tổ chức cung cấp dịch vụ không lưu đầu tiên của ngành Quản lý bay Việt Nam- Tiền thân của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Một ngày sau khi tiếp quản, trưa ngày 02/01/1955, rất vững vàng và tự tin, những chủ nhân mới của sân bay Gia Lâm, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Đức Việt đã chỉ huy cho một chiếc máy bay của Hãng hàng không Pháp chở một số nhân viên của Ủy ban Quốc tế bay từ Sài Gòn ra hạ cánh an toàn trước sự ngạc nhiên và khâm phục của phi hành đoàn Pháp. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Hàng không Việt Nam nói chung và Quản lý bay Việt Nam nói riêng.
Việc tiếp quản thắng lợi sân bay Gia Lâm có ý nghĩa vô cùng to lớn. Lần đầu tiên nước Việt Nam độc lập làm chủ một căn cứ không quân và hàng không dân dụng lớn nhất của Pháp ở Đông Dương. Từ đây, sân bay Gia Lâm không những đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế của đất nước mà còn là nơi đào tạo cán bộ không quân- hàng không dân dụng. Từ kinh nghiệm và lực lượng ở sân bay Gia Lâm phát triển ra nhiều sân bay khác ở miền Bắc Việt Nam.
Trải qua 70 năm kể từ ngày tiếp quản sân bay Gia Lâm, đến nay Hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tự tin hội nhập với cộng đồng hàng không thế giới và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Tính đến thời điểm hiện nay (năm 2024) chúng ta có 22 cảng hàng không dân dụng và 14 sân bay quân sự.
Hiện nay có 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 55 đường bay trong nước kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương với tần suất gần 700 chuyến bay mỗi ngày tạo thành mạng lưới giao thông quan trọng. Thị trường vận chuyển hàng không quốc tế với sự tham gia của 58 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác với 166 đường bay kết nối 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phương Hằng