Giới thiệu về dịch vụ Thông tin, Dẫn đường, Giám sát

Dịch vụ Thông tin, dẫn đường, giám sát (Communication, Navigation, Surveillance - CNS) là một trong năm dịch vụ công ích mà Tổng công ty Quản lý bay cung cấp cho các chuyến bay đi/ đến các sân bay của Việt Nam và các chuyến bay quá cảnh qua vùng thông báo bay của Việt Nam. CNS đóng vai trò quan trọng vì đây chính là những phương tiện để thực hiện liên lạc giữa người lái và kiểm soát viên không lưu. Có thể nói rằng quản lý không lưu không thể tồn tại nếu không có công nghệ CNS.

Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của công tác quản lý điều hành bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Tổng công ty) đã đầu tư phát triển dịch vụ CNS bằng các giải công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

1. Dịch vụ Thông tin hàng không (Communication) gồm 2 loại đó là Thông tin lưu động hàng không (Aeronautical Mobile Services – AMS) và Thông tin cố định hàng không (Aeronautical Fix Services – AFS).

1.1 Thông tin lưu động hàng không hay còn gọi là thông tin đất đối không (Air/Ground Communication) là thông tin liên lạc giữa người lái và kiểm soát viên không lưu (KSVKL). Liên lạc này được thực hiện thông qua hệ thống liên lạc VHF (Very High Frequency) ở dải tần số 118 MHz – 137 MHz.

Để đảm bảo liện lạc thoại giữa KSVKL và người lái tại mỗi giai đoạn điều hành chuyến bay (khu vực sân bay, khu vực tiếp cận và bay đường dài), các trạm VHF được tính toán lắp đặt phù hợp. Hiện nay, tại 22 cảng hàng không trên toàn quốc đều được lắp đặt trạm VHF để phục vụ cho điều hành bay tại khu vực sân bay; 03 trạm VHF tiếp cận được lắp tại 3 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất để phục vụ điều hành bay tiếp cận; 07 trạm VHF đường dài được lắp đặt theo dọc trục đường bay Bắc - Nam tại Mộc Châu, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Đồng Hới, Tân Sơn Nhất và Cà Mau để phục vụ điều hành bay đường dài. Mỗi trạm VHF đường dài có tầm phủ tối đa 250 NM, tương đương 450 km.

 

Hình 1: Đài VHF Mộc Châu

 

Hình 2: Các trạm thu/ phát VHF và tầm phủ sóng VHF

Với các hệ thống VHF hiện tại, phần lớn toàn bộ vùng thông báo bay của Việt Nam đều được phủ sóng VHF, tuy nhiên do điều kiện địa hình nên vẫn còn một phần trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh trên Biển Đông sóng VHF chưa với tới được. Các chuyến bay hoạt động trong khu vực này liên lạc với KSVKL qua sóng HF (high frequency) thông qua hệ thống HF thoại đối không đặt tại Tân Sơn Nhất.

Từ tháng 6/2011 Việt Nam đã đưa vào áp dụng phương thức liên lạc dữ liệu giữa KSVKL và người lái  (Controller Pilot Data Link Communication – CPDLC) tại những vùng sóng VHF không phủ tới được.

1.2. Thông tin cố định hàng không có 2 loại:

  • Một là: Thông tin thoại trực tiếp không lưu (ATS/DS - Air Traffic Service/ Direct Speech). Đây là đường thông tin trực thoại dùng cho KSVKL để trao đổi thông tin giữa các đơn vị không lưu trong nước và các quốc gia kế cận. Liên lạc này sử dụng các kênh thoại nóng (Hotline) trực tiếp qua mạng Vệ tinh VSAT dùng riêng của ngành hàng không hoặc thuê kênh VSAT của các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và quốc tế.
  • Hai là: Mạng viễn thông cố định hàng không (Aeronautical Fixed Telecommunication Network – AFTN). Đây là mạng thông tin truyền văn bản (text) giữa những đơn vị liên quan đến các hoạt động điều hành bay, sân bay, khai thác tàu bay và nhà chức trách Hàng không.Hiện tại, mạng viễn thông cố định hàng không (AFTN) có 4 Trung tâm chuyển điện văn tự động AMSS (Automatic Message Switching System) đặt tại Nội Bài, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Gia Lâm.

   

Hình 3: Tổ chức mạng AFTN tại Việt Nam

2. Dịch vụ Dẫn đường hàng không  (Navigation)

Dịch vụ dẫn đường là hệ thống các phụ trợ dẫn đường vô tuyến phát ra các tín hiệu tạo các mốc và chỉ hướng cũng như cự ly của tàu bay so với đài dẫn đường trong quá trình bay đường dài, tiếp cận và hạ cánh.

Tổng công ty hiện đang cung cấp dịch vụ từ các phụ trợ dẫn đường sau:

  • 03 đài NDB (Non Directional Beacon – Đài vô hướng) đặt tại Mộc Châu, Nam Định và Long Khánh.
  • 19 đài VOR/DME (Very High Frequency Omnidirectional radio range/ Distance Measuring Equipment – Đài dẫn đường đa hướng sóng cực ngắn/ Thiết bị đo cự ly bằng vô tuyến) đặt tại Điện Biên, Nội Bài, Đầu tây cảng hàng không Nội Bài, Nam Hà, Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Phú Bài, Pleiku, Phù Cát, Buôn Mê Thuật, Cam Ranh, Liên Khương, Phan Thiết, Tân Sân Nhất, Phú Quốc, Cần Thơ, Côn Sơn.

 

Hình 4: Đài DVOR/DME

3. Dịch vụ Giám sát hàng không (Surveillance).

Dịch vụ giám sát được thực hiện thông qua các hệ thống rada giám sát nhằm giúp cho KSVKL có thể nhìn thấy các vị trí của các tàu bay trên màn hình rada tại bàn kiểm soát không lưu. Toàn bộ vùng trời trong phạm vi trách nhiệm của Việt Nam hiện nay đã được bao phủ bởi 03 hệ thống rada sơ cấp (Primary Surveillance Radar) và 06 hệ thống rada thứ cấp (Secondary Surveillance Radar). Các tín hiệu rada được đưa vào Hệ thống xử lý dữ liệu rada/ dữ liệu bay (Radar Data Processing/Flight Data Processing RDP/FDP) để xử lý sau đó truyền tín hiệu về bàn kiểm soát không lưu. 

 

Hình 5: tầm phủ của Radar thứ cấp tại Việt Nam.

Hệ thống radar được phân loại theo chức năng bao gồm:

  • Radar đường dài (En-route): Dải tần số băng L (1-2 GHz), ăng ten quay tốc độ 6-12 vòng/phút. Thường được đặt trên núi cao để có tầm phủ rộng, không bị các chướng ngại vật che khuất. Đặt xa trung tâm để có tầm phủ tối đa. Trong vùng FIR thường đặt nhiều ra đa để đảm bảo tầm phủ chồng lấn (overlap), đồng thời đảm bảo khả năng dự phòng lẫn nhau. Tầm phủ từ 200-250 NM (400-450 Km).
  • Radar tiếp cận, tại sân (Airport radar): Dải tần số băng S (2-4 GHz), ăng ten quay tốc độ 12-15 vòng/phút. Đặt trong phạm vi sân bay để giám sát các tàu bay trong khu vực tiếp cận và cất, hạ cánh trên đường CHC. Tầm phủ từ 60-80 NM(100-150Km).
  • Radar kiểm soát bề mặt sân bay (Surface Movement Radar - SMR): Dải tần số băng X (8-12 GHz) hoặc Ku (12-18 GHz), ăng ten quay tốc độ 60 vòng/phút. Thường đặt trên đỉnh Đài chỉ huy (TWR), khoảng 40-100m, gần khu vực trung tâm đường lăn (taxiway) và sân đỗ (apron) để KSVKL quan sát được hoạt động (lăn) của các tàu bay và các loại xe cộ khác trong khu vực này. Tầm phủ khoảng 5 Km.

Hình 6: Trạm Radar Nội Bài

Trong những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp các cơ sơ điều hành bay, Tổng công ty đã đầu tư mua sắm các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật số, thông tin vệ tinh để nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát.  

Ngày 19/10/2011, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo kế hoạch tổng thể này, các ứng dụng liên lạc dữ liệu bằng vệ tinh sẽ được dần thay thế cho liên lạc thoại VHF, HF; tiến tới áp dụng phương thức dẫn đường dựa vào đặc tính (PBN) và hệ thống tăng cường độ chính xác đặt trên mặt đất (GBAS); triển khai lắp đặt các trạm Giám sát tự động phụ thuộc dạng quảng bá (ADS-B) để phủ sóng ADS-B trên toàn vùng thông báo bay của Việt Nam.

Với khả năng của các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến hiện đại và nhân tố con người, ngành Quản lý bay Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe của công tác quản lý bay đồng thời có thể sẵn sàng trợ giúp và phối hợp với các trung tâm kiểm soát không lưu của các quốc gia liền kề nhằm đảm bảo an toàn hàng không và góp phần vào sự phát triển của nền không vận trong khu vực châu Á/ Thái Bình Dương.