Bạn muốn thử sức với nghề Kiểm soát viên không lưu?

Ngày nay, sử dụng máy bay làm phương tiện đi lại đã trở nên phổ biến do các ưu thế về thời gian, sự an toàn và thuận tiện mà ngành vận tải này mang lại. Vậy làm thế nào tàu bay có thể biết chính xác vị trí của mình trong khi bay mà không bị “lạc” đường? Trong trường hợp nhiều tàu bay đến sân bay hạ cánh cùng một thời điểm mà không bị trùng nhau và không xảy ra va chạm? Đối với giao thông đường bộ, người ta sử dụng hệ thống đèn tín hiệu, lực lượng cảnh sát giao thông để điều phối các phương tiện ôtô, xe máy, xe đạp, người đi bộ. Còn việc đảm bảo an toàn giao thông đường không thì sao? Để đảm bảo điều này, chuyến bay phải có sự phối hợp, liên kết từ nhiều bộ phận, trong đó có bộ phận cung cấp dịch vụ mặt đất. Dịch vụ không lưu là một trong những dịch vụ mặt đất đóng vai trò quan trọng để chuyến bay được an toàn - điều hòa - hiệu quả. 

Dịch vụ không lưu bao gồm: Dịch vụ Thông báo bay, dịch vụ Điều hành bay, dịch vụ báo động, dịch vụ tư vấn không lưu. 

Dịch vụ Điều hành bay được chia thành 04 phần: Dịch vụ kiểm soát mặt đất (GCU), Dịch vụ kiểm soát tại sân bay (TWR), Dịch vụ kiểm soát tiếp cận (APP) và Dịch vụ kiểm soát đường dài (ACC). Mỗi dịch vụ điều hành bay đều có các cơ sở điều hành bay tương ứng như: Dịch vụ kiểm soát mặt đất – Bộ phận kiểm soát mặt đất; Dịch vụ kiểm soát tại sân bay – Đài kiểm soát tại sân bay; Dịch vụ kiểm soát tiếp cận – Cơ sở kiểm soát tiếp cận; Dịch vụ kiểm soát đường dài – Cơ sở kiểm soát đường dài.

Làm việc tại cơ sở điều hành bay là các kiểm soát viên không lưu, hay chúng ta thường gọi vui với nhau là “các cảnh sát giao thông trên không”. Vậy Kiểm soát viên không lưu – Họ làm những gì? Bạn biết rằng, người trực tiếp điều khiển máy bay, đảm bảo an toàn cho chuyến bay là phi công. Người hướng dẫn, phục vụ hành khách trên chuyến bay là tiếp viên hàng không, còn kiểm soát viên không lưu là người chỉ huy, điều hành, đảm bảo an toàn bay cho tất cả các chuyến bay. Kiểm soát viên không lưu chịu trách nhiệm chỉ huy tàu bay từ khi tàu bay nổ máy tại sân đỗ cho đến khi tàu bay hạ cánh, lăn vào vị trí đỗ. Họ phải đảm bảo an toàn khi lưu thông, ngăn ngừa va chạm cho toàn giữa các tàu bay, giữa các tàu bay với các chướng ngại vật trên khu hoạt động tại sân bay. Hiện nay, với lưu lượng chuyến bay ngày một lớn đòi hỏi người kiểm soát không lưu phải điều hành các chuyến bay hợp lý để tạo ra hiệu quả cao nhất. Đối với các sân bay chỉ phục vụ cho mục đích dân sự, công việc đã không đơn giản thì với những sân bay sử dụng cho cả quân sự lẫn dân sự, công việc của kiểm soát viên lại càng phức tạp hơn.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quận sự (khi được ủy quyền) hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc, trên các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý (bao gồm vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng trời trên khu vực biển quốc tế được giao cho Việt Nam quản lý),  bao gồm: Dịch vụ không lưu; Dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; Dịch vụ thông báo tin tức hàng không; Dịch vụ khí tượng; Dịch vụ tìm kiếm cứu nạn.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam hiện nay có gần 500 kiểm soát viên không lưu làm việc tại các cơ sở điều hành bay trên toàn quốc, hàng ngày điều hành trên 1200 chuyến bay trong nước, quốc tế. Do tính chất quan trọng của nghề kiểm soát không lưu nên đòi hỏi người làm nghề kiểm soát không lưu phải có am hiểu sâu sắc về nghề nghiệp, có phản ứng nhanh nhạy, có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để giao tiếp với người lái, và đặc biệt người kiểm soát viên không lưu cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm việc.

Do kiểm soát viên không lưu là lực lượng lao động chính, trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ cung ứng dịch vụ không lưu, có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an toàn hoạt động bay nên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam hết sức quan tâm và coi trọng việc tạo điều kiện thuận lợi để kiểm soát viên được học tập, rèn luyện tu dưỡng nghề nghiệp. Kiểm soát viên không lưu được bố trí làm việc tại các cơ sở điều hành bay với trang thiết bị hiện đại đặt tại các sân bay Quốc tế như Sân bay Nội Bài, Sân bay Đà Nẵng, Sân bay Tân Sơn Nhất và tại các sân bay tại các địa phương khác. Các cơ sở điều hành bay hiện đại của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có thể kể đến như: Trung tâm kiểm soát  không lưu đường dài, tiếp cận Hồ chí Minh (AACC Hồ Chí Minh), Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội), Đài chỉ huy Nội Bài (TWR Nội Bài), Đài chỉ huy Tân Sơn Nhất (TWR Tân Sơn Nhất), … Hàng năm, kiểm soát viên không lưu được tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước và tại các cơ sở đào tạo huấn luyện hàng không có uy tín trên thế giới như tại Singapore, Thailan, NewZealand. Kiểm soát viên không lưu được quan tâm, tạo điều kiện về đời sống vật chất, tinh thần và có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Hiện nay, mức thu nhập khởi điểm của kiểm soát viên không lưu khi chính thức điều hành bay là hơn 10 triệu đồng một tháng và được tăng dần theo thâm niên và đóng góp thực tế của kiểm soát viên không lưu. Ngoài ra kiểm soát viên không lưu còn có các chế độ, quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước và của Tổng công ty.

Kiểm soát viên không lưu tuy chưa được nhiều người biết đến như phi công hay tiếp viên hàng không, nhưng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến bay. Bạn nghĩ sao về nghề kiểm soát không lưu, hãy nộp đơn đăng tuyển ngay hôm nay để thử sức bạn nhé! (Mời bạn xem thông tin tuyển dụng chi tiết tại mục Tuyển dụng).

Đặng Hải Vân - CT QLBMB