Tôi học Tiếng Anh

Nhân ngày “ATC day” 20/10, tôi xin có một câu chuyện kể về quá trình học tập và trở thành một Kiểm soát viên không lưu của mình.

Cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. Ngày 25/4/1994, lớp Kiểm soát viên không lưu khóa 14 niên khóa 1994 - 1996 nhập học tại trường Hàng không Việt Nam (nay là Học viện Hàng không Việt Nam). Đó là sự phấn khởi, hồ hởi và niềm xúc động tự hào dâng trào vì được học tại thành phố Hồ Chí Minh và hơn nữa lại là một trường có danh tiếng; được biết thêm nhiều bạn mới từ khắp mọi miền đất nước với văn hóa và tính cách khác nhau nhưng đều có chung một mong muốn trở thành một Kiểm soát viên không lưu giỏi. Tuy nhiên, với cá nhân tôi thì ngày hôm sau khi tiết học đầu tiên được bắt đầu là tiết học Tiếng Anh thì cảm xúc của tôi lại trái ngược hoàn toàn. Đó là sự lo âu và xen lẫn sự xấu hổ vì thời điểm đó trình độ Tiếng Anh của tôi gần như là không có. Sau khi cô Nguyễn Thị Nga - giảng viên tiếng Anh bước vào lớp, cả lớp dõng dạc chào bằng tiếng Anh “Good morning teacher”, cô giáo ân cần chào lại “Good morning class”. Riêng tôi đứng như trời trồng vì không nói và không nghe được (những từ trên chỉ do sau này được học tôi mới hiểu). Sau khi chào hỏi cô giáo mời từng học viên giới thiệu tên tuổi, sân bay tuyển dụng và các thông tin khác vì lớp tôi là lớp Kiểm soát viên không lưu do các cụm cảng Hàng không tuyển dụng cho các sân bay toàn quốc. Đến lượt tôi tất nhiên tôi trả lời bằng tiếng Việt "Em xin lỗi cô, em chưa biết tiếng Anh", một thoáng ngạc nhiên cô khẽ hỏi “ Tại sao em chưa biết tiếng Anh lại vô được trường Hàng không?”. Tôi trả lời rằng khi tuyển dụng Kiểm soát viên không lưu cho các sân bay như Vinh, Nà Sản, Điện Biên, Cát Bi thì ngoài 2 môn Toán, Lý thì tiếng Anh là môn không bắt buộc. Tuy nhiên nếu ai dự thi thì sẽ được cộng thêm điểm. Sau buổi học đó cô có gặp lớp trưởng là anh Bành Đức Thuyên( hiện nay anh Thuyên đang công tác tại sân bay Vinh) yêu cầu anh Thuyên làm báo cáo đề xuất học thêm tiếng Anh bổ túc cho lớp, và vì vậy trước khi học Không lưu, lớp Anh văn K23 ra đời. Cũng sau buổi học, khi cô Nga rời lớp tôi có xin gặp riêng cô để nói chuyện và hỏi cô địa chỉ học thêm tiếng Anh để theo kịp lớp. Cô đã ân cần chỉ cách cho tôi học thêm và có một lời động viên mà làm tôi nhớ mãi : “Nếu em học tập chăm chỉ và khoa học thì không những theo kịp bạn mà còn có thể vượt hơn”. Và sau đó bằng mọi sự nỗ lực của bản thân cũng như sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè, tôi đã cố gắng trong suốt quá trình để có thể theo kịp lớp học cho đến ngày ra trường và sau này trở thành một Kiểm soát viên không lưu nói thông thạo tiếng Anh; luôn hoàn thành tốt các kỳ thi nâng định cũng như kỳ thi tiếng Anh theo yêu cầu của đơn vị nhằm đáp ứng ngày càng cao của ngành Quản lý bay cũng như theo các yêu cầu của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.

Kể câu chuyện trên tôi cũng mong muốn chia sẻ và gửi một thông điệp đến toàn thể các bạn Kiểm soát viên không lưu trẻ ngày nay đó là nếu chúng ta mong muốn đạt được điều gì đó trong cuộc sống cũng như trong công việc thì chúng ta chắc chắn sẽ phải dành thời gian và tình yêu cho việc đó. Viết xong câu chuyện ngắn này tôi luôn nhớ và thấm thía câu nói nổi tiếng được nhiều người nhắc đến “ Trên bước đường thành công không có bước chân của kẻ lười biếng ” – “ On the way to success , there is no trace of lazy men”

Qua câu chuyện trên, xin cho tôi gửi lời cảm ơn đến cô giáo Nguyễn Thị Nga và các cô giáo thuộc khoa Anh ngữ Học viện Hàng không Việt Nam cũng như toàn thể bạn bè trong lớp KL14 đã giúp đỡ tôi trong quá trình học tập, đặc biệt là môn tiếng Anh.

          Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2015

Nguyễn Ngọc Quang

Trưởng Trung tâm kiểm soát Tiếp cận - Tại sân,Công ty Quản lý bay miền Bắc