Giới thiệu về dịch vụ Khí tượng hàng không Việt Nam

I.       KHÁI QUÁT VỀ DỊCH VỤ KHÍ TƯỢNG HÀNG KHÔNG

1.1     Giới thiệu

Trái đất của chúng ta được bao bọc bởi các lớp chất khí gọi là khí quyển. Do cấu trúc, tính chất của các lớp khí quyển khác nhau cùng với sự tác động của năng lượng mặt trời ở các lớp khí quyển đều khác nhau nên mỗi lớp khí quyển có những đặc điểm riêng.

Trong tầng đối lưu, nơi chiếm phần lớn hơi nước trong khí quyển, nhiệt độ giảm theo độ cao, là tầng chịu tác động trực tiếp của năng lượng mặt trời truyền tới trái đất dưới dạng bức xạ điện từ làm phần lớn quá trình khí quyển, các hiện tượng thời tiết thường hình thành, phát triển. Các hoạt động của con người trong đó có hoạt động hàng không thường diễn ra trong tầng đối lưu nên chịu chịu tác động lớn bởi các quá trình khí quyển và các hiện tượng thời tiết diễn ra.

Cấu trúc các lớp khí quyển trên trái đất

Thuật ngữ KHÍ TƯỢNG HỌC (tiếng Anh là METEOROLOGY) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là khoa học về các hiện tượng khí quyển. Khí tượng học có mối liên quan chặt chẽ với nhiều ngành khoa học như: vật lý, địa lý, toán học, khoa học công nghệ... để nghiên cứu các tính chất vật lý của khí quyển, làm sáng tỏ các quy luật, phân bố của hiện tượng thời tiết, khí hậu... nhằm phục vụ mục đích của con người trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.

Khí tượng hàng không là bộ phận của Khí tượng học, nghiên cứu về tương tác của các quá trình khí quyển trong tầng khí quyển, sự xuất hiện và ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết, đặc trưng khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động hàng không từ đó đưa ra những cảnh báo, dự báo phục vụ hoạt động hàng không an toàn, hiệu quả.

1.2     Dịch vụ Khí tượng hàng không

Trên toàn thế giới, thời tiết là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp gây uy hiếp an toàn bay và chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các vụ việc uy hiếp an toàn bay. Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA), thời tiết là nguyên nhân của khoảng 70% số các chuyến bay bị chậm trễ. Bên cạnh đó, thời tiết còn là nguyên nhân chủ yếu gây ra hoặc liên quan tới các sự cố, tai nạn hàng không, gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như tính mạng hành khách.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Ban An toàn, Chất lượng và An ninh, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, số sự vụ hoạt động bay bị ảnh hưởng bởi thời tiết như: bay chậm, bay chờ, vòng tránh ra ngoài vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam, tiếp cận hụt, quay lại hoặc đi sân bay dự bị,… chiếm khoảng 50 - 60% tổng số sự vụ hoạt động bay trong báo cáo an toàn hàng năm. Con số trên chưa tính số chuyến bay bị hủy do sân bay đóng cửa khi chịu ảnh hưởng của bão tới sân bay hoặc vòng tránh vùng thời tiết xấu như mây CB, nhiễu động, đóng băng,… trên đường bay mà tàu bay chưa bay ra ngoài FIR.

Để bảo đảm dịch vụ khí tượng phục vụ hoạt động bay an toàn - điều hòa -- hiệu quả, ngày 16/4/1948, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ban hành Phụ ước 3 đối với dịch vụ Khí tượng hàng không (Annex 3 - Meteorological Service for International Air Navigation), thiết lập các tiêu chuẩn và khuyến cáo áp dụng cho công tác Khí tượng hàng không đối với tất cả các quốc gia thành viên trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên chính thức từ 12/4/1981. Hàng năm, tại các cuộc họp liên quan của ICAO, Phụ ước 3 đối với Khí tượng hàng không đều được xem xét rà soát, tu chỉnh, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ. Theo đó, dịch vụ Khí tượng hàng không của mỗi quốc gia có trách nhiệm cung cấp dữ liệu, sản phẩm quan trắc, dự báo/cảnh báo cho các đối tượng sử dụng theo quy định nhằm bảo đảm an toàn, điều hòa và hiệu quả cho nền không vận trong nước và quốc tế.

II.      TỔ CHỨC DỊCH VỤ KHÍ TƯỢNG HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

2.1     Mô hình tổ chức

Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định Quản lý hoạt động bay của Chính phủ, dịch vụ Khí tượng hàng không là một trong các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Dịch vụ Khí tượng hàng không phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, các tiêu chuẩn, các hướng dẫn, khuyến cáo của ICAO.

Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, cũng như khuyến cáo của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) và ICAO, dịch vụ Khí tượng hàng không phải được cung cấp liên tục 24/24 giờ, đảm bảo độ chính xác, kịp thời và đầy đủ cho từng giai đoạn của mỗi chuyến bay như: Lập kế hoạch bay, thuyết trình trước chuyến bay, trong chuyến bay,...

Trước năm 2017, dịch vụ Khí tượng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm nhiệm, cung cấp. Từ ngày 01/01/2017, Bộ Giao thông vận tải quyết định chuyển giao nguyên trạng dịch vụ Khí tượng hàng không từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam về Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Để đảm bảo dịch vụ Khí tượng hàng không sau khi chuyển giao từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam về Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được an toàn, thông suốt, ổn định và hiệu quả, dịch vụ Khí tượng hàng không do 03 Trung tâm Khí tượng hàng Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất trực thuộc 03 Công ty Quản lý bay khu vực (Công ty Quản lý bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam) và Trung tâm Cảnh báo thời tiết thuộc Trung tâm Quản lý luồng không lưu bảo đảo, cung cấp.

Nhằm xây dựng một hệ thống bảo đảm dịch vụ Khí tượng hàng không được thống nhất, chuyên nghiệp, xuyên suốt trong toàn quốc với chất lượng sản phẩm dịch vụ được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, được sự đồng ý của Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam, ngày 04/11/2020, Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ban hành Quyết định số 662/QĐ-HĐTV, thành lập Trung tâm Khí tượng hàng không trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở cung cấp dịch vụ Khí tượng hàng không thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trước đây. Theo quyết định, Trung tâm Khí tượng hàng không chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2021 với các chức năng, nhiệm vụ chính sau:

- Tổ chức triển khai thực hiện công tác cung cấp dịch vụ Khí tượng hàng không theo đúng tiêu chuẩn ICAO và các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

- Phối hợp, hiệp đồng, hợp tác với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài nước để bảo đảm cung cấp dịch vụ khí tượng có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng. Ký kết các văn bản thỏa thuận với các tổ chức có liên quan về cung cấp, trao đổi thông tin Khí tượng hàng không phục vụ hoạt động bay, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.

- Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của Trung tâm báo cáo Tổng công ty. Tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, các hệ thống kỹ thuật, các phương tiện, trang thiết bị được giao phục vụ công tác Khí tượng hàng không và các hoạt động khác.

- Tổ chức đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động trong Trung tâm. Tổ chức nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ Khí tượng hàng không.

Về cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khí tượng hàng không hiện nay gồm:

-  Lãnh đạo Trung tâm:

                    + Giám đốc;

                    + Các Phó Giám đốc.

- Các phòng tham mưu, giúp việc:

+ Phòng Hành chính - Tổng hợp;

+ Phòng Nghiệp vụ;

- Các đơn vị trực thuộc:

+ Trung tâm Cảnh báo thời tiết;

+ Trung tâm Khí tượng hàng không Nội Bài;

+ Trung tâm Khí tượng hàng không Đà Nẵng;

+ Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất.

Mô hình tổ chức Trung tâm Khí tượng hàng không

2.2     Chức năng nhiệm vụ của các Cơ sở Khí tượng hàng không

Chức năng nhiệm vụ của các Cơ sở Khí tượng hàng không trực thuộc được quy định chi tiết trong tài liệu hướng dẫn khai thác của cơ sở và được Cục hàng không Việt Nam phê duyệt. Dưới đây là một số chức năng, nhiệm vụ chính của 04 cơ sở, đơn vị trực thuộc.

2.2.1  Trung tâm Cảnh báo thời tiết

          - Tổ chức theo dõi liên tục điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam;

- Lập, phát hành và cung cấp: SIGMET cho cơ sở ATS liên quan về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên các đường bay và trong các FIR do Việt Nam quản lý bao gồm: dông kèm hoặc không kèm mưa đá, nhiễu động mạnh, đóng băng mạnh, sóng núi mạnh, bão bụi mạnh, bão cát mạnh, mây phóng xạ, tro bụi núi lửa, bão nhiệt đới; AIRMET theo kế hoạch không vận hoặc khi được yêu cầu.

- Trao đổi quốc tế SIGMET, AIRMET theo kế hoạch ROBEX và kế hoạch không vận của ICAO khu vực APAC; trao đổi dữ liệu khí tượng sẵn có với các cơ sở cung cấp dịch vụ Khí tượng hàng không khác theo thỏa thuận.

- Cung cấp thông tin Khí tượng hàng không cho các cơ sở ATS, AIS, SAR, người dùng khác theo thỏa thuận không vận hoặc văn bản hiệp đồng/phối hợp; hợp đồng cung cấp dịch vụ.

- Thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin quan trắc và báo cáo thời tiết từ tàu bay (AIREP) tới các địa chỉ liên quan theo quy định.

- Cung cấp thông tin nhận được về hoạt động núi lửa (trước phun trào, phun trào) và tro bụi núi lửa mà chưa có SIGMET cho các ACC, VAAC liên quan theo thỏa thuận không vận hoặc văn bản hiệp đồng/hợp đồng cung cấp dịch vụ.

- Cung cấp thông tin nhận được liên quan đến sự phát thải chất phóng xạ vào khí quyển trong FIRs trách nhiệm hoặc khu vực lân cận cho các ACC, cơ sở AIS theo thỏa thuận không vận hoặc văn bản hiệp đồng/hợp đồng cung cấp dịch vụ. Thông tin bao gồm địa điểm, thời gian xảy ra hiện tượng và quỹ đạo dự báo của vật liệu phóng xạ.

- Triển khai áp dụng, cải tiến Hệ thống Quản lý chất lượng, Hệ thống Quản lý an toàn để đảm bảo dịch vụ khí tượng cung cấp có chất lượng, hiệu quả và an toàn.

- Triển khai công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ Khí tượng hàng không.

          -  Chủ trì phối hợp với các Cơ sở cung cấp dịch vụ Khí tượng hàng không thu thập, báo cáo, cung cấp thông tin về Xoáy thuận nhiệt đới cho các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm phục vụ công tác Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hàng không.

          - Tư vấn trực tiếp và hỗ trợ khai thác số liệu, sản phẩm khí tượng cho Trung tâm Kiểm soát Đường dài Hà Nội; tư vấn cho các Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, Trung tâm Hiệp đồng bay và Điều phối luồng không lưu, các hãng hàng không, các đối tượng sử dụng liên quan khác về diễn biến thời tiết trong hai vùng thông báo bay (FIR) Việt Nam phục vụ công tác bảo đảm hoạt động bay.

2.2.2  Trung tâm Khí tượng hàng không Nội Bài

- Thực hiện quan trắc và báo cáo thời tiết tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, bao gồm: Bản tin báo cáo thời tiết thường lệ và báo cáo thời tiết đặc biệt phát hành trong khu vực sân bay (MET REPORT/SPECIAL) phục vụ tàu bay cất hạ cánh; bản tin báo cáo thời tiết thường lệ và đặc biệt phát ra ngoài sân bay (METAR/SPECI) để trao đổi trong nước và quốc tế;

- Lập và phát hành các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết cho sân bay Nội Bài và các sân bay khu vực miền Bắc (Điện Biên, Nà Sản, Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới) bao gồm: Bản tin dự báo thời tiết tại sân bay (TAF, TAF AMD), bản tin dự báo xu thế (TREND) phục vụ hạ cánh, bản tin dự báo cất cánh (khi có yêu cầu), bản tin cảnh báo thời tiết tại sân bay (AD WRNG), bản tin cảnh báo hiện tượng gió đứt tầng thấp (WS WRNG);

- Thiết lập và cung cấp hồ sơ khí tượng, thuyết trình, tư vấn thời tiết cho tổ lái, Nhân viên điều độ, khai thác bay của các hãng hàng không, tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và các sân bay thuộc khu vực miền Bắc;

- Cung cấp dịch vụ Khí tượng hàng không cho APP, TWR Nội Bài và các đối tượng có liên quan trong khu vực trách nhiệm theo văn bản hiệp đồng.

- Trao đổi số liệu khí tượng khai thác OPMET với các CSCCDV khí tượng khác như kế hoạch ROBEX quy định.

- Tổ chức thống kê khí hậu và cung cấp số liệu khí hậu theo yêu cầu.

2.2.3 Trung tâm Khí tượng hàng không Đà Nẵng

- Tổ chức quan trắc và báo cáo thời tiết tại cảng hàng không, sân bay phục vụ tàu bay cất, hạ cánh, bản tin quan trắc METAR/SPECI các bản tin dự báo (TAF, TAF AMD, TREND), bản tin cảnh báo hiện tượng gió đứt tầng thấp (WS WRNG) khi điều kiện kỹ thuật cho phép, cảnh báo thời tiết sân bay (AD WRNG) tại sân bay quốc tế Đà Nẵng; và trao đổi bản tin METAR/SPECI với các sân bay khác;

- Lập và phát hành các bản tin dự báo thời tiết cho các sân bay không có AMO (Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Cam Ranh), bao gồm các bản tin: TAF, TAF AMD, AD WRNG; WS WRNG (khi điều kiện kỹ thuật cho phép),  và nhận các bản tin dự báo thời tiết tại các sân bay khác để bảo đảm hoạt động bay;

- Lập và cung cấp bản tin TREND, bản tin dự báo cất cánh (khi có yêu cầu) cho bộ phận khí tượng tại các sân bay: Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Cam Ranh;

- Lập, cung cấp Hồ sơ khí tượng, thuyết trình, tư vấn thời tiết cho tổ lái, nhân viên điều độ, khai thác bay của hãng hàng không tại sân bay Đà Nẵng;

- Chuẩn bị và cung cấp Hồ sơ khí tượng trên website cơ sở dữ liệu khí tượng Đà Nẵng cho bộ phận khí tượng tại các sân bay: Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Cam Ranh;

- Cung cấp dịch vụ Khí tượng hàng không cho APP, TWR Đà Nẵng và các đối tượng có liên quan trong khu vực trách nhiệm;

- Trao đổi số liệu khí tượng khai thác OPMET với Cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng khác theo kế hoạch ROBEX khu vực Châu Á - Thái Bình Dương;

- Theo dõi, chỉ đạo nghiệp vụ đối với Trạm quan trắc khí tượng tại các sân bay: Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Cam Ranh;

2.2.4 Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất

- Thực hiện quan trắc và báo cáo thời tiết tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, bao gồm: Bản tin báo cáo thời tiết thường lệ và đặc biệt phát hành trong khu vực sân bay (MET REPORT/SPECIAL) phục vụ tàu bay cất hạ cánh; bản tin báo cáo thời tiết thường lệ và đặc biệt phát ra ngoài sân bay (METAR/SPECI) để trao đổi trong nước và quốc tế;

- Thiết lập và phát hành các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết cho sân bay Tân Sơn Nhất, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, bao gồm: Bản tin dự báo thời tiết tại sân bay (TAF, TAF AMD); bản tin dự báo xu thế (TREND) phục vụ hạ cánh, bản tin dự báo cất cánh (khi có yêu cầu), bản tin cảnh báo thời tiết tại sân bay (AD WRNG), bản tin cảnh báo hiện tượng gió đứt tầng thấp (WS WRNG) nếu điều kiện kỹ thuật cho phép;

- Thu thập dữ liệu, số liệu, thiết lập và cung cấp hồ sơ khí tượng cho các chuyến bay khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo theo phương thức cung cấp trực tiếp hoặc theo phương thức làm thủ tục bay từ xa được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận; tư vấn, thuyết trình cho tổ lái, nhân viên điều độ khai thác bay của các hãng hàng không liên quan. Tổ chức trưng bày, hiển thị các thông tin khí tượng có sẵn, phù hợp tại phòng thủ tục bay và các cơ sở sử dụng dịch vụ khí tượng khác theo văn bản hiệp đồng cung cấp dịch vụ;

- Trao đổi số liệu khí tượng khai thác OPMET (METAR/SPECI, TAF/TAF AMD AIREP, SIGMET) với Trung tâm khí tượng khác như kế hoạch ROBEX quy định;

- Cung cấp thông tin khí tượng cho các cơ sở ATS, AIS, SAR, nhà khai thác cảng hàng không/sân bay liên quan theo văn bản hiệp đồng/phối hợp cung cấp dịch vụ.

- Theo dõi, chỉ đạo nghiệp vụ đối với Bộ phận quan trắc khí tượng tại các Đài kiểm soát không lưu địa phương thuộc Công ty Quản lý bay miền Nam, đảm bảo chất lượng bản tin khí tượng hàng không theo quy định để phục vụ bay an toàn, điều hòa, hiệu quả;

- Tổ chức lưu trữ thống kê số liệu khí hậu hàng không; tổ chức mạng truyền số liệu, sản phẩm thời tiết cho người sử dụng dịch vụ;

          * Hiện nay, Trung tâm Khí tượng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất chịu trách nhiệm tổ chức quan trắc, lập và phát hành các bản tin quan trắc thời tiết sân bay (METAR/SPECI, MET REPORT/SPECIAL…) tại 03 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất tương ứng.  Hai mươi Bộ phận quan trắc thời tiết sân bay địa phương trên cả nước trực thuộc 20 Đài chỉ huy sân bay thuộc các công ty Quản lý bay khu vực (Công ty Quản lý bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam) chịu sự chỉ đạo, quản lý về chuyên môn khí tượng ngành dọc bởi các Trung tâm Khí tượng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Theo đề án thành lập Trung tâm Khí tượng hàng không đã được các cấp Lãnh đạo phê duyệt, bộ phận quan trắc khí tượng tại các Đài chỉ huy trên sẽ được điều chuyển về các Trung tâm Khí tượng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất thuộc Trung tâm Khí tượng hàng không trong giai đoạn kiện toàn, đánh giá hiệu quả dự án sau 02 năm kể từ khi Trung tâm Khí tượng hàng không đi vào hoạt động. Bộ phận quan trắc khí tượng sân bay địa phương có chức năng chính quan trắc, lập và vào báo thời tiết tại cảng hàng không, sân bay phục vụ tàu bay cất, hạ cánh; thuyết trình, tư vấn, cung cấp hồ sơ khí tượng bổ sung cho tổ lái, các hãng hàng không và các đối tượng khác trong khu vực trách nhiệm.

III.    CÁC SẢN PHẨM CHÍNH CỦA DỊCH VỤ KHÍ TƯỢNG HÀNG KHÔNG

Nhằm phục vụ công tác điều hành, khai thác hoạt động bay an toàn, điều hòa, hiệu quả trong các vùng trời Việt Nam quản lý cũng như công tác trao đổi, cung cấp số liệu khí tượng phục vụ nền không vận trong khu vực và thế giới, sản phẩm dịch vụ Khí tượng hàng không do Trung tâm Khí tượng hàng không cung cấp tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định pháp luật của Nhà nước về công tác Khí tượng hàng không cũng như các tiêu chuẩn, hướng dẫn, khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Sản phẩm, dịch vụ khí tượng hàng không gồm có các sản phẩm chính sau:

3.1 Bản tin quan trắc và báo cáo thời tiết sân bay

          Bản tin quan trắc và báo cáo thời tiết sân bay bao gồm: bản tin quan trắc thường lệ phát trong nội bộ sân bay và phát ra ngoài sân bay (MET REPORT/METAR); bản tin quan trắc đặc biệt phát trong nội bộ sân bay và phát ra ngoài sân bay (SPECIAL/SPECI). Bản tin quan trắc thường lệ được phát hành định kỳ 30 phút/lần; bản tin quan trắc đặc biệt được phát hành bổ sung cho các quan trắc thường lệ nhằm cung cấp thông tin kịp thời về sự xấu đi hoặc tốt lên của điều kiện khí tượng sân bay cho cơ sở điều hành bay, tổ lái và người khai thác tàu bay có liên quan để đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động bay.

Các yếu tố, hiện tượng thời tiết trong các bản tin trên được quan trắc, đo đạc, tính toán bởi các quan trắc viên hoặc máy móc, thiết bị khí tượng hiện đại, chuyên dùng sau đó được mã hóa theo đúng mã luật của ICAO quy định để cung cấp, phục vụ công tác điều hành, khai thác, trao đổi quốc tế theo quy định.

3.2 Các bản tin dự báo, cảnh báo

Theo chức năng, nhiệm vụ được Cục hàng không Việt Nam phê duyệt, các Trung tâm Khí tượng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và Trung tâm Cảnh báo thời tiết lập và phát hành các bản tin dự báo/cảnh báo thời tiết phục vụ hoạt động hàng không dân dụng trong phạm vi không gian trách nhiệm của mỗi Trung tâm. Các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết hàng không gồm:

- Dự báo thời tiết cảng hàng không, sân bay (TAF, TAF AMD).

- Dự báo hạ cánh.

- Dự báo cất cánh.

- Dự báo thời tiết đường bay và khu vực bay.

- Thông báo SIGMET.

- Thông báo AIRMET (khi yêu cầu)

- Cảnh báo thời tiết cảng hàng không, sân bay (AD WRNG).

- Cảnh báo hiện tượng gió đứt tầng thấp (WS WRNG).

3.2.1 Dự báo thời tiết cảng hàng không, sân bay

Bản tin dự báo thời tiết sân bay (TAF) bao gồm các thông tin mô tả diễn biến thời tiết sẽ diễn ra tại cảng hàng không, sân bay. Trong trường hợp phát hiện hoặc nhận định được thời tiết sẽ thay đổi khác biệt và đạt ngưỡng chỉ tiêu so với nội dung bản tin TAF mới phát hành, cơ quan phát hành sẽ  lập  bản tin dự báo bổ sung (TAF AMD) để bảo đảm người dùng luôn được sử dụng bản tin cập nhật.

3.2.2 Dự báo hạ cánh

Bản tin dự báo hạ cánh (TREND) được phát hành cùng bản tin quan trắc sân bay (METAR), mô tả diễn biến thời tiết quan trọng sẽ xảy ra tại cảng hàng không, sân bay trong hai giờ tới so với thời tiết thực trạng. Bản tin này chủ yếu phục vụ tàu bay cất hạ cánh.

3.2.3 Dự báo cất cánh

Dự báo cất cánh có các thông tin về điều kiện thời tiết dự kiến xảy ra tại đường băng nhằm phục vụ tàu bay trong giai đoạn cất cánh.

3.2.4 Dự báo thời tiết trên đường bay và khu vực bay

Dự báo điều kiện thời tiết trên đường bay và khu vực bay, kể cả bản tin bổ sung, gồm các tin tức dự báo gió trên cao, nhiệt độ trên cao, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên đường bay, mây đối lưu.

3.2.5 Thông báo SIGMET

Bản tin SIGMET là bản tin cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên đường bay trong vùng trách nhiệm nhằm khuyến cáo phi công về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm sẽ gặp phải trên lộ trình. Ngoài ra, bản tin SIGMET còn phục vụ công tác lập kế hoạch bay, công tác điều hành bay.

3.2.6 Thông báo AIRMET

Mục đích của thông tin AIRMET là tư vấn cho phi công về sự xuất hiện hoặc xuất dự kiến các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể uy hiếp an toàn đến hoạt động bay ở các mực thấp. Hiện nay, bản tin AIREP chưa được triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, bản tin này sẽ được thực hiện trong tương lai nhằm đáp ứng sự tăng trưởng hoạt động bay, đặc biệt hoạt động bay tầng thấp.

3.2.7 Cảnh báo thời tiết cảng hàng không, sân bay

Cảnh báo thời tiết cảng hàng không, sân bay (AD WRNG) là thông báo ngắn gọn về điều kiện khí tượng nguy hiểm đến tàu bay, hệ thống kỹ thuật, trang bị, thiết bị đang ở mặt đất và dịch vụ cảng hàng không, sân bay.

3.2.8 Cảnh báo hiện tượng gió đứt tầng thấp

Cảnh báo hiện tượng gió đứt tầng thấp (WS WRNG) là thông báo ngắn gọn về sự xuất hiện hay dự kiến sẽ xuất hiện gió đứt trong phạm vi giữa bề mặt đường cất hạ cánh và độ cao 500 mét; hiện tượng gió đứt có khả năng ảnh hưởng xấu đến tàu bay đang hoạt động trong giai đoạn cất cánh lấy độ cao, hoặc tàu bay đang vòng lượn vào tiếp cận hạ cánh.

3.3 Các sản phẩm dịch vụ khác

3.3.1 Hồ sơ khí tượng và thuyết trình, tư vấn

Tại các cảng hàng không, sân bay, tổ lái hoặc nhân viên điều độ, khai thác bay được cung cấp hồ sơ khí tượng bao gồm cả thuyết trình và tư vấn các thông tin về thời tiết. Hồ sơ khí tượng là những tin tức khí tượng được trình bày dưới dạng bản đồ, bảng biểu và bản tin để tổ lái sử dụng trong suốt hành trình chuyến bay. Thuyết trình, tư vấn được thực hiện bằng phương thức đối thoại trực tiếp hoặc bằng các phương tiện thông tin liên lạc khác giữa nhân viên khí tượng với đối tượng sử dụng.

Tại Trung tâm kiểm soát đường dài ACC Hà Nội, Trung tâm đã bố trí 01 vị trí trực dự báo khí tượng hàng không trực 24/24h để cung cấp,  thuyết trình và tư vấn trực tiếp cho Kiểm soát viên không lưu phục vụ công tác chỉ huy, điều hành bay. Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ nghiên cứu, triển khai tại ACC Hồ Chí Minh cũng như các Cơ sở Điều hành bay khác của Tổng công ty nhằm góp phần bảo đảm hoạt động bay an toàn, điều hòa, hiệu quả.

3.3.2 Số liệu khí hậu hàng không

Số liệu khí hậu hàng không là những thông tin khí hậu dạng bảng thống kê hoặc bảng báo cáo tóm tắt theo yêu cầu dựa trên chuỗi số liệu nhiều năm nhằm cung cấp cho các nhà khai thác để phục vụ công tác lập kế hoạch hoạt động bay, đặc biệt quy hoạch tuyến đường bay mới.

3.4 Một số hình ảnh sản phẩm, hoạt động cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không của Trung tâm

 
   

 

Bản tin SIGMET đồ họa Trung tâm Cảnh báo thời tiết cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên đường bay

 
   

Tư vấn thời tiết cho Kiểm soát viên không lưu của các Dự báo viên – Trung tâm Cảnh báo thời tiết tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội

 
   

Cung cấp thông tin khí tượng (Hồ sơ khí tượng) cho tổ bay

tại Trung tâm Khí tượng hàng không Đà Nẵng

 
   

Cảnh báo thời tiết tại ACC Hà Nội

Cung cấp thông tin khí tượng phục vụ hoạt động bay dầu khí

của Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất

IV. KHÁCH HÀNG, ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG DỊCH VỤ KHÍ TƯỢNG HÀNG KHÔNG

          Theo quy định của Pháp luật Việt Nam và các Quy định của ICAO, thông tin khí tượng được cung cấp cho tất cả các chuyến bay đi, đến, quá cảnh không phận Việt Nam và nền không vận thế giới cho tất cả các giai đoạn của mỗi chuyến bay từ giai đoạn lập kế hoạch bay, cất cánh, bay bằng, hạ cánh, sân bay dự bị. Thông tin khí tượng được các Cơ sở khí tượng cung cấp trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan không lưu, các hãng hàng không hoặc được truyền/phát trực tiếp lên tàu cho tổ lái. Bên cạnh đó, thông tin khí tượng còn phục vụ các hãng hàng không trong việc nghiên cứu mở đường bay mới hoặc thông tin khí tượng khí hậu phục vụ các Cơ quan quản lý nhà nước trong việc việc nghiên cứu xây dựng, mở mới các cảng hàng không, sân bay.

          Tuân thủ các quy định trên, thông tin Khí tượng hàng không được Trung tâm khí tượng hàng  không - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chuyển phát, cung cấp:

          - Các Trung tâm Khí tượng hàng không trong và ngoài nước.

- Các cơ quan không lưu, Trung tâm thông báo tin tức hàng không, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn của Tổng công ty Quản lý bay;

          - Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam; các hãng hàng không trong nước (Vietnamairlines, Vietjet, Bamboo, Pacific, Bầu trời xanh, Hải Âu, CP Hàng không lữ hành, công ty Trực thăng miền bắc, Trường hàng không New Zealand … ); các hãng hàng không nước ngoài đi, đến, quá cảnh trong hai vùng Thông báo bay Hà Nội và Hồ Chí Minh của Việt Nam.

- Các Ngân hàng dữ liệu Khí tượng hàng không, Trung tâm thu thập, trao đổi dữ liệu OPMET khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;

IV.     Lời kết

Là một trong năm dịch vụ quan trọng và là chuỗi mắt xích trong dây chuyền bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, dịch vụ Khí tượng hàng không trong những năm qua không ngừng đổi mới, cải tiến, áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại, trao đổi hợp tác trong nước và quốc tế, triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 nên chất lượng dịch vụ Khí tượng hàng không không ngừng nâng cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như kỳ vọng của các cấp Lãnh đạo.

Với sự quan tâm đầu tư, xây dựng phát triển dịch vụ khí tượng của Tổng công ty cũng như nhận thức sâu rộng về trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, nhân viên Trung tâm Khí tượng hàng không, dịch vụ Khí tượng hàng không chắc chắn sẽ sớm sánh kịp chất lượng dịch vụ như khu vực và trên thế giới, góp phần vào công tác điều hành bay an toàn, điều hòa và hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ chính trị và xây dựng phát triển kinh tế đất nước.