Khu vực phía bắc Việt nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh nên thời tiết tương đối phức tạp. Bên cạnh hiện tượng sương mù mây thấp xảy ra trong những tháng đông xuân thì dông mưa lại xảy ra gần như quanh năm. Đây đều là hai hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm đối với hoạt động hàng không và là nỗi khiếp sợ với các máy bay đang trong giai đoạn cất hạ cánh.
Dông nếu hiểu một cách đơn giản sẽ là sự phóng điện giữa các đám mây tích điện với nhau hay giữa đám mây với mặt đất, khi đó thường kèm theo tiếng sấm, sét hoặc tia chớp. Dông nguy hiểm ở chỗ khi máy bay bay vào vùng mây dông rất dễ bị sét đánh, khi đó các chỉ số trên máy bay thường bị sai lệch nghiêm trọng gây khó khăn cho phi công, bên cạnh đó là hiện tượng đóng băng, là có nhiễu động mạnh gây rung lắc máy bay làm ảnh hưởng tới sức khỏe của hành khách và phi hành đoàn, chưa kể nguy hiểm hơn là các dòng khí giáng mạnh dưới chân của các đám mây dông có thể làm cho máy bay bị mất vận tốc và rơi độ cao máy bay bất ngờ. Khi máy bay chuẩn bạ cánh hay cất cánh,mưa mạnh làm giảm tầm nhìn của phi công, chưa kể gió mạnh và gió giật khiến máy bay có thể bị chệch khỏi đường băng. Khi mà với các máy bay trọng tải thấp chỉ chịu được gió giật hay gió đứt ở mức 10kt thì trong giông gió giật 25kt có khi lên tới 70kt, thế mới thấy dông nguy hiểm như thế nào.

Hình ảnh máy bay bị sét đánh
Ở các sân bay khu vực phía bắc, dông có thể xuất hiện vào bất cứ thời gian nào trong năm. Chỉ cần đủ yếu tố nhiệt, ẩm và động lực trong lớp không khí gần mặt đất mây dông sẽ hình thành. Vào những tháng chính hè, bức xạ nhiệt nhận được từ mặt trời là lớn nhất, hệ thống áp thấp nóng ,dải thấp hay dải hội tụ nhiệt đới phát triền mạnh trên vĩ độ 20̊ N làm hình thành các vùng xoáy thấp hoặc bão thì dông xuất hiện với tần suất đáng kể, có khi xuất hiện trong nhiều ngày liền.
Thống kê trong giai đoạn từ 2009-2018, tại sân bay Nội Bài, dông bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, tập trung nhiều nhất trong ba tháng giữa hè (tháng 6, 7, 8) với trung bình mỗi tháng có trên 13 ngày dông. Số ngày dông trong tháng có xu hướng tăng dần từ tháng 4 đến tháng 7, sau đó giảm đến tháng cuối mùa đông. Còn tại Cát Bi, dông chủ yếu xuất hiện trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Trong đó tháng 8 là tháng có dông xuất hiện nhiều nhất với trung bình có 14 ngày dông. Sân bay Điện Biên mùa dông bắt đầu từ khoảng tháng 2, tuy lượng mưa trong dông không lớn và ít có gió mạnh nhưng do địa hình đồi núi xung quanh sân bay nên các chuyến bay khi có dông thường rất khó thực hiện. Sân bay Vinh, Đồng Hới dông mưa lại nhiều nhất vào tháng 9 khi có tác động của đới gió đông bắc từ khối áp cao lạnh lục địa và do bão, trung bình là 7 ngày có dông mưa.Số ngày dông trong tháng có xu hướng tăng dần từ tháng 4 đến tháng 5, và từ tháng 6 đến tháng 9, sau đó giảm đến tháng cuối mùa đông.

Hình ảnh đám mây dông ảnh hưởng tới sân bay Nội Bài
Mây dông xuất hiện dưới nhiều hình thù khác lạ, khi thì cao tới 17km chắn cả một khoảng trời gây khó khăn cho người quan trắc. Thêm cả thời tiết trong những tháng giao mùa đông xuân (tháng 3,4) trở nên phức tạp hơn khi còn lẫn lộn cả hai kiểu thời tiết đối lập nhau, dưới thì sương mù mưa phùn mây thấp mà trên thì lại có đối lưu phát triển và dông xảy ra. Chắc chỉ có các sân bay miền bắc mới có kiều thời tiết đặc biệt đó. Những lúc như thế, người khí tượng phải vận dụng hết năng lực của mình để theo dõi từng chi tiết nhỏ trên ảnh mây vệ tinh, ảnh radar, ảnh định vị sét để xác định chính xác phạm vi và mức độ ảnh hưởng của đám mây dông, hay cả vùng mây thấp gây tầm nhìn xấu dưới bề mặt. Quan trắc viên luôn luôn là đôi mắt thần của dự báo và dự báo từ đó bằng những kĩ năng chuyên môn, mới có thể đưa ra những bản tin dự báo,cảnh báo cùng những tư vấn kịp thời cho tổ bay, kiểm soát viên không lưu cũng như các đối tượng liên quan.
Với mật độ bay trung bình hàng ngày 500 chuyến cất hạ tại sân bay Nội Bài, khi mà những đám mây CB đứng sừng sững như những bức tường thành cao tới 15km chặn đầu cất hạ, khó có máy bay nào có thể len qua đám mây mà hạ cánh hay bay lên được.
Ảnh radar đám mây chắn ngang đầu cất hạ cánh và gây dông mưa tại Nội Bài
Nếu sân bay Điện Biên có địa hình đồi núi cao xen kẽ thung lũng thấp xung quanh, sân bay Cát Bi, Vân Đồn lại nằm sát biển, sân bay Vinh, Đồng Hới một bên là biển một bên là dãy Trường Sơn, thì sân bay Nội Bài lại nằm ở vùng đồng bằng xen kẽ những ngọn núi thấp. Mỗi nơi có một kiểu đặc trưng địa hình riêng dẫn tới những kiểu hình thành dông và cường độ dông mưa khác nhau. Các dự báo viên tại Trung tâm khí tượng Hàng không Nội Bài phải không ngừng học hỏi để rút ra những quy luật của tự nhiên, để dự đoán trước dông mưa cũng như các hiện tượng thời tiết khác, góp phần vào sự an toàn của những chuyến bay. Đó là niềm hạnh phúc và tự hào của những người làm khí tượng.
Trần Vân Anh