Lịch sử hình thành và phát triển của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Phần II)

QUẢN LÝ BAY DÂN DỤNG VIỆT NAM TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XHCN 
(1976 - 1992)

Sau khi thống nhất đất nước, trong điều kiện lịch sử mới để đáp ứng sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và giao lưu quốc tế, ngày 11/02/1976, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 28-CP thành lập Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Cục Quản lý bay là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của Tổng cục. Sau đó, Cục Quản lý bay đổi tên thành Cục Kế hoạch và Quản lý bay. Về tổ chức gồm các phòng: Kế hoạch, Điều phái, Thông tin, Khí tượng và Phòng Nghiên cứu và huấn luyện. Hoạt động của quản lý bay được thực hiện theo chỉ đạo ngành dọc. Ngày 26/3/1976, Tổng Cục trưởng ra Quyết định số 88-TC thành lập các đơn vị hàng không dân dụng tại các sân bay: Gia Lâm, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Phú Bài, Đồng Hới. Tại mỗi đơn vị đều có phòng Kế hoạch phụ trách công tác điều hành bay.

Tháng 5 năm 1977, Cục Kế hoạch và Quản lý bay được tách thành Vụ Kế hoạch và Cục Quản lý bay. Ngày 12/5/1977, Phủ Thủ tướng ban hành Quyết định số 129-CP thành lập Vụ Kế hoạch - Thống kê trực thuộc Tổng cục. Ngày 14/7/1977, Tổng cục trưởng Tổng cục ký Quyết định số 856/QĐ - TC phê chuẩn nhiệm vụ, chức trách, tổ chức của các Cục trong Tổng cục. Theo quyết định phê chuẩn đó, Cục Kế hoạch - Quản lý bay thống nhất tên gọi trong Tổng cục là Cục Tham mưu.

Trong thành tích chung của toàn Tổng cục từ năm 1976 - 1980, Cục Tham mưu đã đóng góp một phần công sức đáng kể. Tuy công tác chỉ huy bay vẫn còn nhiều khó khăn do trang thiết bị thông tin, dẫn đường về cơ bản là thiếu đồng bộ, khí tài một phần do Liên Xô cũ viện trợ, một phần là chiến lợi phẩm thu được sau chiến tranh giải phóng miền Nam nhưng các cán bộ ngành Quản lý bay đã luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo chỉ huy điều hành các chuyến bay an toàn. Bên cạnh việc chỉ huy điều hành an toàn cho các chuyến bay vận tải, vận chuyển hành khách, hàng hóa, trong thời kỳ này, Quản lý bay Việt Nam đã tham gia điều hành nhiều chuyến bay phục vụ nền kinh tế quốc dân như: bay gieo hạt tại nông trường Mỹ Lâm - Kiên Giang; bay phun thuốc trừ sâu; bay thăm dò khai thác dầu khí; điều hành bay vận tải quân sự phục vụ 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978, biên giới phía Bắc năm 1979 và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia tiếp quản khôi phục các sân bay Pochentông, Battamboong, SiêmRiệp; điều hành bay đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hàng trăm chuyến bay chuyên cơ phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác trong và ngoài nước.

Phục vụ các chuyến bay thăm dò khai thác dầu khí

Từ năm 1981, đất nước ta bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1986). Đối với quân đội, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 27 và Nghị quyết 30 xác định rõ phương thức quân đội tham gia xây dựng kinh tế trong tình hình mới. Để phù hợp với nhiệm vụ kinh doanh hàng không kết hợp với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, ngày 25/9/1981, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 334-QĐ/QP đặt phiên hiệu quân sự cho Tổng cục là: Binh đoàn không quân vận tải 909. Cục Tham mưu được tách thành hai cơ quan là Vụ Kế hoạch và Cục Quản lý bay trực thuộc Tổng cục.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, theo đề nghị của Tổng cục Hàng không, ngày 29/8/1989, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 112-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Tổng cục Hàng không. Nghị định chỉ rõ: Hàng không dân dụng Việt Nam là ngành kinh tế - kỹ thuật của Nhà nước; Tổng cục là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Từ đây, Tổng cục Hàng không dân dụng tách khỏi sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Cục Quản lý bay chuyển thành Vụ Quản lý bay theo Quyết định số 837-TCHK ngày 21/12/1989 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hàng không.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức Vụ Quản lý bay theo hướng đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, ngày 15/10/1990, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Bưu điện ký Quyết định 1888-QĐ/TCCB/LĐ thành lập Công ty Quản lý bay Hàng không Việt Nam gọi tắt là Công ty Quản lý bay, trực thuộc Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt Nam. Công ty thực hiện các chức năng quản lý, điều hành và kiểm soát các hoạt động bay trên các hành lang bay và vùng trời được phân công; bảo đảm các dịch vụ không lưu, không báo và khí tượng hàng không, tham gia tổ chức công tác tìm kiếm, cứu nguy máy bay dân dụng trong nước và nước ngoài theo phạm vi phụ trách. Công ty vừa là tổ chức sự nghiệp bảo đảm hàng không, đồng thời là đơn vị kinh tế thực hiện dịch vụ hàng không. Về cơ cấu thành phần, các tổ chức thành viên trực thuộc và cơ sở hạ tầng của Công ty Quản lý bay bao gồm: Xí nghiệp Quản lý bay Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý bay Đà Nẵng, Xí nghiệp Quản lý bay Tân Sơn Nhất và Trung tâm Thông tin Hàng không. Sau khi thành lập, Công ty Quản lý bay vừa từng bước ổn định, đưa mọi hoạt động theo cơ chế quản lý mới, vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là chỉ huy an toàn mọi chuyến bay theo chỉ tiêu kế hoạch, đồng thời tham gia vào việc hoàn thiện chương trình khôi phục quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và xây dựng thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển trang thiết bị, con người cho kế hoạch 5 năm 1991 - 1995.

Đài kiểm soát không lưu sân bay quốc tế Nội Bài phục vụ công tác điều hành bay từ năm 1978 - 1989

Như vậy, từ năm 1976 đến 1992, Quản lý bay dân dụng Việt Nam đã có những bước phát triển mang tính mở đường cho sự phát triển sau này. Từ những bộ phận của cơ quan tham mưu Lữ đoàn Không quân vận tải 919, hoạt động chủ yếu phục vụ vận tải quân sự, địa bàn hoạt động trong phạm vi miền Bắc, trang bị khí tài lạc hậu, đến nay Quản lý bay Việt Nam đã trở thành một ngành quan trọng, xương sống cấu thành nên ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý vùng trời, quản lý các hoạt động bay dân dụng trong nước và quốc tế. Quản lý bay Việt Nam đã tham gia vào quá trình phân công và hợp tác quốc tế về cung cấp các dịch vụ không vận khi trực tiếp điều hành các máy bay quốc tế bay đi, đến và quá cảnh qua vùng trời chủ quyền của Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của ngành Hàng không đã thành lập bộ máy tổ chức cung cấp các dịch vụ kiểm soát không lưu gồm: 2 Trung tâm Kiểm soát đường dài (Hồ Chí Minh, Hà Nội); 3 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng) và các đài kiểm soát tại các sân bay địa phương. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô và chuyên gia ICAO theo các dự án do UNDP tài trợ cho Hàng không Việt Nam, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại chuyên ngành Quản lý bay đã được đầu tư và đưa vào hoạt động. Nhờ đó, các hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ quản lý không lưu ngày càng được củng cố, nâng cấp, dần tiếp cận và phù hợp với các khuyến cáo thực hành của ICAO.

Ban Biên tập